Sách Động lực nội tại
Travel

Làm sao để duy trì động lực trong công việc?

Cuối tuần rồi, các bạn nhỏ nhà mình vào vai “các nhà khảo cổ nhí” đi khai quật xương khủng long. Khu vực tiến hành khai quật là một bãi cát rộng nằm dưới những tán cây xanh mát.

Khu vực “khai quật” hóa thạch khủng long

Ban đầu, mình cũng chỉ nghĩ là sẽ có những miếng xương nhỏ giấu rải rác dưới lớp cát này. Nhưng không! Sau khoảng 20’ đánh giá tình hình, thì chắc chắn đây là một bộ xương cỡ lớn. Con nhà mình nhìn xương hộp sọ và nhận định luôn đây là hóa thạch của T-rex.

Khỏi phải nói lũ trẻ vô cùng hào hứng và say mê. Như mình là người lớn mà còn tò mò không biết bộ xương hóa thạch này to đến đâu? Nếu được “khai quật” toàn bộ thì không biết hình thù của nó ra sao?

Bộ xương hóa thạch của khủng long có vẻ rất lớn

Cứ thế lũ trẻ đắm chìm trong công việc khảo cổ. Tay thì cầm xẻnh để xúc cát, tay thì cầm chổi quét để phủi lớp cát trên xương. Giữa trời trưa nắng. Mồ hôi nhễ nhại chảy dài trên những gương mặt bầu bĩnh đang ửng lên vì nóng.

FEO – Focus on Exciting Outcome

Ngắm nhìn lũ trẻ, mình chợt nhớ tới khái niệm “FEO” – Focus on Exciting Outcome. Tạm dịch là “tập trung vào các kết quả làm bạn cảm thấy hứng khởi”. Khái niệm này được nhắc đến trong cuốn sách “Động lực nội tại” của tác giả Stefan Falk.

Trong cuộc sống, chúng ta thường làm những công việc thiếu động lực và hứng thú. Điều đó phần lớn là do chúng ta thực hiện các công việc này theo chế độ tự động. Tức là làm theo thói quen, theo quán tính.

Tác giả Stefan đã đưa ra lời khuyên về việc thực hành FEO mỗi ngày. Thay vì tập trung vào cách thực hiện, hãy tưởng tượng những kết quả làm bạn cảm thấy hào hứng.

Cuốn sách cũng đề cập tới những lý do phổ biến khiến chúng ta chán ghét công việc. Ví dụ như: công việc tẻ nhạt, sếp xấu tính, đồng nghiệp thô lỗ … Mỗi trường hợp, tác giả đều đưa ra các công cụ để giúp người đọc thay đổi góc nhìn, hướng tiếp cận và duy trì được sự yêu thích công việc.

Cũng theo tác giả, khi duy trì được FEO hàng ngày, chúng ta sẽ càng chăm chỉ làm việc. Khi càng chăm chỉ làm việc, chúng ta sẽ ngày càng nâng cao chuyên môn và kinh nghiệm của mình. Đến lúc đó, bạn lại càng yêu thích công việc của mình hơn. Bởi đơn giản là, chúng ta thích làm những gì chúng ta giỏi.

Liên tưởng đến trải nghiệm của bản thân, mình cũng đã nhảy việc vài công ty. Công việc nào cũng chỉ có thời gian đầu khiến mình hứng khởi. Sau đó sẽ vẫn là cảm giác nhàm chán, thiếu động lực.

Hồi đó, mình luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh: lương thấp, nhiều việc, áp lực, sếp khó, …. Nhưng đến hiện tại, mình hiểu, nguyên nhân của việc thiếu động lực đó xuất phát từ bản thân mình. Không tìm hiểu nguyên nhân, không cố gắng đưa ra hướng giải quyết, không tìm cách sáng tạo …..

Quay trở lại trò khảo cổ, bọn nhỏ không quan tâm đến việc phải đào bới dưới cái nắng gay gắt. Cái duy nhất chúng quan tâm là một bộ xương khủng long ngay dưới lớp cát này! Đó chính là kết quả đầy hào hứng mà chúng hướng tới.

Kết

Tập trung vào kết quả hứng thú không chỉ giúp chúng ta duy trì động lực và kiên nhẫn. Hơn nữa, nó còn giúp chúng ta đạt tới trạng thái dòng chảy “flow”.

Biết lợi ích là như thế nhưng FEO cần sự luyện tập hàng ngày với các công cụ hỗ trợ. Mình vẫn đang thực hành và hy vọng có thể chia sẻ cho các bạn trong một dịp khác.

Còn bạn, bạn có cách nào để duy trì động lực làm việc hàng ngày không? Hãy chia sẻ dưới bài viết nhé!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *